Bài Mới Đăng
Loading...
Thứ Năm, 18 tháng 7, 2013

HƯỚNG DẪN CÁCH LÀM BÀI THI ĐH- CĐ MÔN NGỮ VĂN ĐẠT ĐIỂM CAO - Kinh nghiệm học Thi

điểm cao, cách làm bài, môn văn, thi dh mon van, thi dh môn văn


1.Thời gian chờ đề
Giữ tâm thể thoải mái khi chờ đề, không cố gắng nhớ lại các nội dung mà nên thư giãn. Viết đầy đủ thông tin cần thiết trên giấy thi trong thời gian chờ đề.

2. Đọc đề
Đọc đề đề thi kỹ trọn vẹn cả câu, chuyển sang câu kế tiếp. Nhanh chóng lựa chọn câu hỏi mà mình nắm chắc nhất.

3. Xác định yêu cầu đề thi
a) Trước khi làm bài, các em cần đọc kĩ đề và xác định đầy đủ yêu cầu của đề thi về các phương diện như kiểu bài: xác định xem đề bài yêu cầu sử dụng kĩ năng nghị luận nào: trình bày, giải thích, chứng minh, bình giảng, phân tích, so sánh hay kiểu bài tổng hợp đòi hỏi kết hợp nhiều kĩ năng nghị luận);
Đối tượng và nội dung nghị luận: Đề bài yêu cầu giải quyết vấn đề gì?;
Phạm vi kiến thức và dẫn chứng: Để giải quyết vấn đề đó, cần huy động và sử dụng những kiến thức và dẫn chứng nào cho phù hợp và có sức thuyết phục cao nhất);
Đồng thời, các em xác định nội dung và hình thức trình bày bài viết. Điều này sẽ giúp bài văn không bị lạc đề, xa đề.

b) Đọc lại đề thi, gạch chân dưới những từ khóa, tìm ra yêu cầu của đề thi, vấn đề cần nghị luận. Vạch nhanh các ý chính sẽ triển khai. Làm tương tự với các câu hỏi còn lại. Sở dĩ phải ghi lại những ý đó ngay lập tức là để đề phòng khi sa đà vào các nội dung cụ thể sẽ làm các bạn quên đi những ý tưởng vừa vụt qua khi đề thi với các bạn rất tươi mới.

4. Chia thời gian cho các câu hỏi phù hơp
Đề thi ĐH môn Văn thường có 3 câu, chúng mình cần chia khoảng thời gian 180 phút ra thành ba phần nhỏ tương ứng với điểm số tương ứng của mỗi câu. VD: Câu I (2 điểm) ứng với thời gian làm bài tối đa 36 phút, câu II (3 điểm) làm trong khoảng thời gian 54 phút, câu IIIa và IIIb (5 điểm) làm trong khoảng thời gian 90 phút. Nhưng tốt nhất chúng mình hãy hoàn thành thật nhanh câu I trong khoảng 20 phút vì câu này thường yêu cầu trình bày những kiến thức cơ bản, không đòi hỏi sự phân tích chi tiết. Đây cũng là câu hỏi rất dễ ăn điểm tuyệt đối các bạn cần tranh thủ chiếm trọn điểm số ở câu này trong thời gian ngắn nhất, đề bù thời gian này vào cho câu hỏi 5 điểm.
Tất cả các bước vừa nói trên các bạn phải thực hiện nhanh chóng, không quá 10 phút. Đây là thời điểm tâm lí của các bạn tương đối ổn định nhất, bình tĩnh nhất vì vậy các bạn phải tận dụng khoảng thời gian này.

5. Những lưu ý về trình bày bài
Viết mỗi ý thành một đoạn, được phân biệt với nhau bởi các dấu chấm xuống dòng. Khi xuống dòng, cũng nên viết chữ đầu tiên lùi vào 1/5 - 1/4 trang giấy, tính từ lề. Như các ý sẽ nổi bật hơn, bài viết rõ ràng và sạch đẹp hơn, người chấm sẽ không bỏ sót ý khi chấm điểm cho bạn.

Chúng mình nên lưu ý tránh tẩy xóa, tuyệt đối không sử dụng bút xóa, không thêm các dấu, kí hiệu để đánh dấu đoạn văn bỏ, không viết thêm chữ “bỏ” hay “sai” trong đoạn văn sai. Đối với những đoạn văn cần bỏ, bạn nên ghạch một nét đậm vừa phải bằng thước kẻ, không viết đè lên, không chữa, gạch xóa nhiều lần làm bẩn bài thi.

Chú ý lỗi chính tả và lỗi ngữ pháp, câu thiếu chủ ngữ, vị ngữ. Nếu bạn không thực sự khá môn Văn, bạn nên chọn lối diễn đạt đơn giản, các câu ngắn nhưng đủ ý, đủ các thành phần chính trong câu; tránh sử dụng các câu nhiều thành phần, rườm rà.

6) ĐIỀU QUAN TRỌNG NHẤT
Phải cố gắng làm hết tất cả các câu trong yêu cầu của đề bài, không được bỏ sót ý nào, dù là nhỏ nhất. Nếu bỏ 1 câu, thì 2 câu còn lại có làm tốt đến đâu đi nữa, điểm số của bài vẫn thấp hơn khi làm đủ 3 câu, dù các câu làm chưa thật tốt, thậm chí còn sơ sài.

7. Làm bài thi
Bắt đầu bài làm của mình với câu hỏi mà bạn cho là mình nắm chắc nhất. Kinh nghiệm cho thấy, chúng mình nên làm các bài ngắn trước và bài dài sau. Nếu nắm chắc câu hỏi kiểm tra kiến thức cơ bản bạn nên làm nó đầu tiên và hoàn thành nhanh, chắc chắn bài này. Tiếp đến là bài văn ngắn và dồn hết tâm lực, bút lực cho bài văn dài trong phần thời gian còn lại.

Ở cả 3 câu hỏi, bạn cần trình bày đúng nguyên tắc của một bài văn, nghĩa là có đủ mở bài, thân bài, kết bài chỉ khác nhau về độ dài, cách trình bày trực tiếp hay gián tiếp…
Mở bài: Cần viết nhanh tránh mất thời gian cho phần mở bài. Tham khảo bài viết "4 phương pháp và 3 nguyên tắc trong mở bài" để có thêm kinh nghiệm viết mở bài. Các bạn cũng có thể chuẩn bị sẵn một số mở bài ở dạng nguyên liệu cho từng tác phẩm, tác giả để khi vào phòng thi vẫn có một mở bài hay, độc đáo mà không phải mất thời gian suy nghĩ.

Thân bài: Trên cơ sở các ý chính đã được vạch ra ở dàn bài sơ lược, bạn bắt tay vào nội dung lớn, sau đó mới triển khai dần các ý nhỏ hơn trong bài viết.

Các bạn luôn nhớ: bám sát vấn đề cần nghị luận và yêu cầu của bài viết. Bài viết yêu cầu chứng minh thì sau khi đưa ra một ý các bạn phải có những dẫn chứng xác thực cho ý đó. Phân tích các dẫn chứng để chứng tỏ luận điểm mà bạn nêu ra. Đề ra yêu cầu phân tích hay bình luận… các bạn phải thực hiện đúng các thao tác, phương pháp của dạng bài đó.

Trong quá trình làm bài, đôi khi bạn chợt nhớ ra một nội dung hay, quan trọng có thể triển khai ở ý sau, bạn nên bổ sung nhanh vào dàn bài sơ lược rỗi hãy tiếp tục làm bài. Tâm lý phòng thi, đặc biệt là thời gian về cuối dễ làm bạn quên đi những luận điểm hay ý kiến… quý giá đó.

Kết bài: Dù thời gian gấp rút như thế nào thì bài văn cũng cần phải có đủ mở bài thân bài kết bài. Trong trường hợp bạn không có nhiều thời gian cho kết bài thì cũng nên có 3-4 câu ngắn gọn để tóm gọn, tổng kết lại nội dung mình đã phân tích, bình luận… và nhắc lại vấn đề chính của bài.

8. Cách ôn và làm bài đối với 3 câu trong đề thi
a. Đối với câu 1 - câu hỏi yêu cầu tái hiện kiến thức: về tác giả văn học Việt Nam, thí sinh cần ghi nhớ những nét chính về sự nghiệp sáng tác, quan điểm sáng tác và phong cách nghệ thuật của các tác giả...; về tác phẩm, các em phải nhớ hoàn cảnh sáng tác, ý nghĩa nhan đề, giá trị tư tưởng nghệ thuật, dẫn chứng, chi tiết, nhân vật, chủ đề... Thí sinh cần viết ngắn gọn, súc tích, trình bày trực tiếp và rõ ràng nội dung mà đề thi yêu cầu. Tuy nhiên, các em không nên viết theo kiểu gạch ý mà nên viết có hình thức ba phần: mở bài, thân bài và kết bài, vì giáo viên chấm sẽ không đánh giá cao cách làm bài theo kiểu gạch ý.
Câu I, thường 2 điểm, nhằm kiểm tra kiến thức cơ bản, phổ thông và khái quát nhất như:
- Trình bày ngắn gọn, hoặc tóm tắt những đặc điểm chính về con người, cuộc đời của một nhà văn.
- Trình bày ngắn gọn, hoặc tóm tắt sự nghiệp văn học của một tác giả.
- Trình bày ngắn gọn, hoặc tóm tắt quan điểm sáng tác văn học (quan điểm nghệ thuật) của một tác giả (chỉ có ở 2 tác giả Nam Cao và Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh).
- Trình bày những nét chính trong phong cách nghệ thuật của một tác giả (chỉ có ở 3 tác giả Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, Nguyễn Tuân và Tố Hữu).
- Trình bày ngắn gọn, hoặc tóm tắt hoàn cảnh ra đời của một tác phẩm.
- Giải thích ý nghĩa nhan đề tác phẩm.
- Khái quát ngắn gọn giá trị tư tưởng nghệ thuật, nhất là giá trị nhân đạo, của một tác phẩm.
- Nêu hoặc phân tích ngắn gọn nhưng đặc điểm và thành tựu chính của giai đoạn văn học 1945 - 1975.
b) Đối với câu 2: thí sinh cần nắm chắc kỹ năng làm bài văn nghị luận xã hội với hai dạng đề: về tư tưởng đạo lý (giới thiệu vấn đề, giải thích khái niệm, bàn luận: lý do - biểu hiện - ý nghĩa, thái độ đối lập: nâng cao đánh giá, bài học nhận thức và hành động); về một hiện tượng xã hội (giới thiệu vấn đề, giải thích khái niệm, phân tích thực trạng - hậu quả, tìm nguyên nhân, biện pháp khắc phục, bài học nhận thức và hành động cho bản thân). Các em cần lấy dẫn chứng phong phú từ thực tế đời sống, biết liên hệ và rút ra được những suy nghĩ của chính bản thân về vấn đề được đề cập. Bài làm sâu sắc, có chính kiến và am hiểu về cuộc sống bao giờ cũng được đánh giá cao.
Nghị luận xã hội bàn về một tư tưởng, đạo lý hay một hiện tượng trong đời sống xã hội
Phần nghị luận về tư tưởng, đạo lý thường tập trung vào các nội dung như: Tình cảm gia đình, tình bạn bè, bài học về nhân cách, cách đối nhân xử thế, quan niệm - lối sống tích cực hoặc tiêu cực (lạc quan, tự trọng, vị tha, dũng cảm, nhân hậu hoặc bi quan, tự ti, ích kỷ, vô cảm, hèn nhát…).

Phần nghị luận về một hiện tượng trong đời sống hay ra đề về những hiện tượng có tính chất thời sự được xã hội quan tâm và có ảnh hưởng trực tiếp đến suy nghĩ, lối sống của lớp trẻ hiện nay. Ví dụ như hiện tượng xả rác bừa bãi trong môi trường học đường; vi phạm luật lệ giao thông của học sinh trung học phổ thông; lối sống lãng phí và phô trương; lối sống sành điệu của tuổi mới lớn; hiện tượng chảy máu chất xám…

Đối với câu hỏi này, các em cần ôn lại lý thuyết các thao tác lập luận so sánh, bác bỏ, bình luận, phân tích đã học ở lớp 11 và lý thuyết bàn về tư tưởng, đạo lý hay hiện tượng xã hội được học ở lớp 12. Ngoài ra cần tích lũy vốn sống từ thực tế và thu thập, lưu giữ dẫn chứng từ các phương tiện thông tin đại chúng.

c) Đối với câu 3: Thí sinh cần nắm chắc kiến thức tổng hợp về văn học, kỹ năng làm bài nghị luận văn học. Ở phần này, đề thi thường kiểm tra kiến thức của học sinh qua 3 kỹ năng cơ bản: kỹ năng đọc hiểu tác phẩm; kỹ năng phân tích tác phẩm; kỹ năng khái quát tổng hợp. Đề thi thường tập trung so sánh sự tương đồng - khác biệt giữa hai đoạn thơ, hai đoạn văn, nhân vật - nhân vật, chi tiết nghệ thuật thể hiện quan niệm nghệ thuật, tư tưởng của tác giả, chủ đề... của tác phẩm; hay phân tích tác phẩm, một yếu tố trong tác phẩm để làm rõ cho một ý kiến, một quan niệm... bàn về văn học. Vì vậy, các em cần nắm vững nội dung trọng tâm của từng tác phẩm, liên hệ so sánh để tìm ra điểm tương đồng và khác biệt với các tác phẩm cùng thể loại, hiểu rõ giá trị tư tưởng, giá trị nghệ thuật trong từng chi tiết tiêu biểu..., có kiến thức cơ bản về lý luận văn học, biết cách lý giải, phân tích tác phẩm để làm sáng tỏ vấn đề. Thí sinh nên lập dàn ý sơ lược các luận điểm chính để tránh sót ý khi làm bài. Bài làm có hình thức đẹp, rõ ràng, diễn đạt trôi chảy, cảm xúc, nắm chắc kiến thức... sẽ được người chấm đánh giá cao.

Các bạn nên tập trung vào các nhóm tác phẩm sau đây:
5.1 Nhóm các tác phẩm thể hiện đề tài và cảm hứng về đất nước: Tuyên ngôn độc lập, Tiếng hát con tàu, Đất nước của Nguyễn Đình Thi, trích đoạn Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm…
5.2 Nhóm các tác phẩm thể hiện đề tài và cảm hứng về nhân dân: Tuyên ngôn độc lập, Việt Bắc, Tiếng hát con tàu, trích đoạn Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm…
5.3 Nhóm các tác phẩm thể hiện cảm hứng nhân đạo: Hai đứa trẻ, Chí Phèo, Đời thừa, Vợ chồng A Phủ, Vợ nhặt
5.4 Nhóm các tác phẩm thể hiện cảm hứng nhân văn: Chữ người tử tù, Người lái đò sông Đà…
5.5 Nhóm các tác phẩm thể hiện đề tài và cảm hứng về người lính: Tây Tiến, Rừng xà nu, Những đứa con trong gia đình…
Cần lưu ý là nhóm các tác phẩm này thường thể hiện rất nổi bật cảm hứng về chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, chủ nghĩa yêu nước, khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn.
5.6 Nhóm các tác phẩm thể hiện đề tài và cảm hứng về thân phận, khát vọng và vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ: Đời thừa, Vợ chồng A Phủ, Vợ nhặt, Sóng…
5.7 Nhóm các tác phẩm thể hiện nỗi nhớ và thái độ ân tình ân nghĩa với quá khứ: Tây Tiến, Bên kia sông Đuống, Việt Bắc, Tiếng hát con tàu, Đất nước của Nguyễn Đình Thi.
5.9 Nhóm các tác phẩm thể hiện sức mạnh của tiếng cười châm biếm trào phúng: Vi hành và trích đoạn Hạnh phúc của một tang gia.
5.10 Nhóm các tác phẩm thể hiện tuyên ngôn nghệ thuật của nhà văn: Đời thừa, Tiếng hát con tàu, Vũ Như Tô, Chiếc thuyền ngoài xa…
5.11 Nhóm các tác phẩm xây dựng thành công tình huống truyện độc đáo, giàu ý nghĩa: Chữ người tử tù, Vi hành, Vợ nhặt, Chiếc thuyền ngoài xa…
5.12 Nhóm các tác phẩm thể hiện đề tài và cảm hứng về Tây Bắc: Tây Tiến, Vợ chồng A Phủ, Tiếng hát con tàu, Mùa lạc, Người lái đò sông Đà…
5.13 Nhóm các tác phẩm thể hiện tâm trạng và khát vọng của cái Tôi Thơ Mới: Vội vàng, Tràng giang, Đây thôn Vĩ dạ,
Sau khi tập hợp các tác phẩm thành từng nhóm, cần phải phát hiện được:
- Những nét độc đáo của tác phẩm này so với tác phẩm khác.
- Những nét chung của tác phẩm trong nhóm.
9) Không nên viết nháp khi làm bài thi môn văn.
Vì nếu như vậy sẽ rất mất thời gian và gây lúng túng, các bạn nên đọc đề một lượt, gạch ra nháp tất cả các ý cần triển khai của từng câu rồi làm bài chính thức, nếu có thể các bạn nên làm thứ tự từng câu đúng như đề ra, như vậy sẽ đảm bảo tính hệ thống và gây thiện cảm cho người chấm thi, và tuyệt đối không được bỏ sót câu nào vì như vậy các bạn sẽ bị điểm trừ khá nhiều đấy.
Và điều quan trọng cần lưu ý là đối với mỗi câu hỏi trong đề thi khi triển khai làm bài, dù là câu hỏi dạng nào, các bạn cũng phải có mở bài, kết bài (ngắn gọn đối với những câu hỏi mang tính chất trả lời kiến thức), không được gạch ngang đầu dòng mỗi ý mà nên sử dụng từ nối giúp bài văn mạch lạc, hệ thống, đây chính là kỹ năng thể hiện tính chuyên nghiệp khi làm bài của các bạn và là yếu tố giúp các bạn có thêm điểm cộng đấy.
Đối với môn văn, không dễ gì để các bạn có điểm số cao hay tuyệt đối, chính vì vậy trong quá trình làm bài hãy “nhặt nhạnh” cho mình những điểm cộng và hạn chế những điểm trừ dù là nhỏ nhất nhé.

10) Hãy viết đẹp, viết dài nếu có thể.

Đây cũng là một bí quyết quan trọng, đối với bài thi môn văn, các bạn cần triển khai đủ ý để nêu bật nội dung cần phân tích, tuy nhiên, phải cố gắng viết rõ ràng, chữ đẹp càng tốt và viết dài nếu có thể, đối với bài thi môn văn 180 phút ít nhất các bạn phải viết được 10 trang giấy, vì như thế sẽ gây ấn tượng ban đầu cho người chấm bài thi và các bạn biết rồi đấy “ấn tượng bạn đầu là rất quan trọng”
CHÚC CÁC BẠN THÀNH CÔNG